Tân sinh viên lơ ngơ tìm việc làm thêm, chưa có lương đã mất tiền

Shares

Chân ướt chân ráo đến TP.HCM, nhiều tân sinh viên đối mặt ngay với không ít chiêu lừa của những đối tượng xấu.

Sinh viên tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Sinh viên tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Đầu năm học 2023 – 2024, Cao Nguyên (18 tuổi, quê Đắk Lắk) đến TP.HCM học nghề bếp tại một trường trung cấp ở quận Bình Tân. Cao Nguyên muốn đi làm thêm sớm để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. Lướt Facebook, bạn thấy bài rao tuyển nhân viên bán thời gian cho một công ty kinh doanh đồ uống.

Mới vô học đã bị lừa 12 triệu đồng

Buổi gặp nhau đầu tiên của Cao Nguyên với người xưng phụ trách nhân sự của công ty diễn ra tại một quán cà phê ở khu Tên Lửa. Người này giải thích trụ sở công ty đang sửa nên tạm thời làm việc tại quán cà phê.

“Họ nói với tôi có thể có lương gần 20 triệu đồng mỗi tháng nếu cố gắng. Họ nói thêm công ty cho nhân viên rất nhiều quyền lợi, được đi du lịch, thường được tặng quà, được tổ chức sinh nhật. Cuối cùng, họ nói tôi cần đóng tiền để nhận sản phẩm về bán” – Cao Nguyên kể lại.

Anh Thảo – chú ruột của Cao Nguyên – cho biết mặc dù đang ở chung nhà với anh tại TP.HCM nhưng cháu không nói cho anh chuyện đóng tiền mà gọi về cho mẹ ở Đắk Lắk để xin tiền. Tổng số tiền mà Cao Nguyên đóng cho người kia là 12 triệu đồng.

“Cháu tôi ở quê vào, người ta nói sao nghe vậy. Bên họ dặn cháu không được tiết lộ cho người thứ 3. Họ cũng chỉ cách nói dối gia đình xin tiền đóng tiền học để dễ được cho” – anh Thảo nói.

Cuối tháng 9-2023, sau khi biết cháu bị lừa, anh Thảo có dẫn Cao Nguyên đi gặp người xưng là phụ trách công ty để đòi lại tiền. Thấy anh làm dữ, người này nói sẽ đề xuất cấp trên cho phép trả lại 70% số tiền đã đóng.

Nhưng đến nay, Cao Nguyên vẫn chưa nhận lại được tiền. Công ty nói chỉ có thể trả cho bạn… sản phẩm là các hộp đồ uống để bán.

Chuyện của Cao Nguyên không phải riêng biệt. Hiện nay trong nhiều hội nhóm tìm việc trên mạng xã hội, một số đối tượng có dấu hiệu tuyển dụng vẫn thường canh “con mồi” là các sinh viên, đặc biệt là những bạn trẻ mới bước chân đến những thành phố lớn học tập.

Đánh vào tâm lý của các bạn muốn tìm việc để trang trải học phí phụ giúp gia đình hoặc để có đồng vô đồng ra, nhiều đối tượng bắt đầu “giăng bẫy”.

Bạn T.T. (18 tuổi, ngụ ở TP.HCM) – tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết bạn có nhu cầu tìm một nơi để được thực tập sớm và học hỏi về digital marketing. T. kể lại tháng 9 vừa qua có thấy một bài đăng trên hội nhóm Facebook cần tuyển người xây dựng kênh TikTok, T. liên hệ và hẹn được một buổi gặp mặt.

“Đến nơi mình mới biết rằng người ta cần lập một kênh TikTok để chạy truyền thông cho… tiền ảo. Mình thấy hơi sợ nên sau đó mình bỏ luôn không nhận việc nữa” – T. nhớ lại.

Nên tham khảo ý kiến

ThS Tiêu Minh Sơn – giảng viên môn kỹ năng công dân toàn cầu Trường ĐH Văn Lang – cho rằng đến độ tuổi sinh viên, đa số các bạn thường có mong muốn thể hiện sự độc lập của mình.

Chủ động tìm việc làm thêm, tìm nơi thực tập cũng là một cách minh chứng sự độc lập ấy. Tuy nhiên, với những sinh viên lần đầu tới sinh sống và học tập tại các thành phố lớn, các bạn thường thiếu kinh nghiệm, khiến một số bạn dễ mắc phải những bẫy lừa hơn.

Theo ông Sơn, để có được sự tỉnh táo, tân sinh viên nên luôn tham khảo ý kiến của người khác trước khi đưa ra những quyết định quan trọng. Đó có thể là thầy cô, cha mẹ, cựu sinh viên, các anh chị lớn hơn, hoặc đôi khi chỉ là kể cho một hai người bạn ở cùng phòng để có thêm góc nhìn.

Bởi vì thiếu kinh nghiệm, các bạn sẽ có nhiều điều không biết, nên cần tránh tự quyết những vấn đề quan trọng mà chưa nghe ít nhất một ý kiến khác.

ThS Nguyễn Thái Châu – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính – Marketing – cho biết Internet là một kênh cho các sinh viên có thể bước đầu kiểm chứng thông tin.

Chẳng hạn nếu nghi ngờ một công ty có dấu hiệu lừa đảo hoặc kinh doanh đa cấp biến tướng, bạn có thể tra cứu về họ trên Internet. Hoặc những đơn vị tuyển dụng không có thông tin rõ ràng hay đã nhận được nhiều phản ánh, “review” không tốt trên Internet cũng sẽ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Nên nhớ phần lớn doanh nghiệp sẽ không yêu cầu ứng viên phải đóng tiền mới được nhận việc.

Tìm sự trợ giúp, tư vấn từ nhà trường

ThS Nguyễn Thái Châu cho rằng hiện hầu hết các trường đều có những bộ phận kết nối quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm. Thậm chí, phần nhiều giảng viên cũng sẽ có những mối quan hệ để giúp đỡ sinh viên của mình. Do đó, nếu có nhu cầu tìm việc làm thêm hoặc tìm nơi thực tập mà chưa biết bắt đầu từ đâu, sinh viên hoàn toàn có thể tìm sự trợ giúp, tư vấn của các bộ phận trong nhà trường hoặc từ các thầy cô.

Nhiều kênh tư vấn cho tân sinh viên

Anh Huỳnh Phú Vinh – bí thư Đoàn trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cho biết vào đầu năm học, Đoàn trường thường kết hợp với một số bộ phận để tổ chức các hoạt động giúp nâng cao nhận thức cho các tân sinh viên về những rủi ro, cạm bẫy mà các bạn có thể đối mặt tại một thành phố lớn. Tại những buổi chia sẻ, các chuyên gia sẽ chỉ ra nhiều dấu hiệu và cách nhận diện các bẫy lừa, đặc biệt là khi tìm việc, xin việc làm thêm…

Anh Vinh cho biết thêm bên cạnh các buổi chia sẻ trực tiếp còn có những bài viết, clip được đăng tải trên một số trang Fanpage của trường giúp các bạn hiểu hơn về một số rủi ro tiềm ẩn từ những cạm bẫy.

Các kênh fanpage cũng sẽ tiếp nhận phản ánh của sinh viên và cung cấp cho các bạn những sự trợ giúp cần thiết nếu các bạn nghi ngờ đang gặp phải những bẫy lừa. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể đến trực tiếp phòng công tác chính trị và hỗ trợ sinh viên để được tư vấn.

Theo báo tuổi trẻ

Shares

Bài viết MỚI

VŨ ĐIỆU THANH XUÂN
2024

Days
Hours
Minutes