Active recall là gì? Cách áp dụng phương pháp này trong ôn thi & học tiếng Anh

Shares

Phương pháp Active recall là gì?

Active recall (dịch tiếng Việt: gợi nhớ chủ động) là phương pháp học tập hiệu quả giúp học viên ghi nhớ thông tin lâu hơn. Là một phần của kỹ thuật active learning, phương pháp này dựa trên nguyên tắc đánh thức trí nhớ dài hạn – buộc não bộ phải suy nghĩ và trả lời các câu hỏi về kiến thức đã học mà không có gợi ý. Điều này được thực hiện bằng cách thường xuyên khôi phục thông tin từ bộ nhớ, thay vì chỉ đơn thuần là đọc hoặc nghe thông tin một cách bị động.

Khi chúng ta chủ động gợi nhớ lại kiến thức, não bộ cũng đồng thời hình thành các “liên kết” mới và củng cố các “liên kết” cũ, nhờ đó hỗ trợ ghi nhớ thông tin lâu dài hơn. Bên cạnh tác dụng tăng cường khả năng lưu giữ và hiểu kiến thức, kỹ thuật này đã được chứng minh góp phần phát triển tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, giảm bớt căng thằng và tạo hứng thú trong quá trình học tập.

Cơ sở & Nguyên lý hoạt động của phương pháp Active recall method

Active recall đã được tìm hiểu và áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và tâm lý học tập (learning psychology) trong nhiều thập kỷ. Phương pháp này lấy nền tảng từ khái niệm hiệu ứng kiểm tra (testing effect), đường cong lãng quên (forgetting curve) của Hermann Ebbinghaus – kết hợp với cơ sở khoa học về cơ chế hoạt động của não bộ (mã hóa + lưu trữ + truy hồi thông tin). Trong số các công trình về chủ đề trên, báo cáo “The Critical Importance of Retrieval for Learning” của hai chuyên gia Jeffrey D. Karpicke và Henry L. Roediger (2008) đóng vai trò quan trọng xây dựng cơ sở cho các nghiên cứu sau này.

Cơ sở khoa học của phương pháp Active recall dựa trên lý thuyết về quá trình học tập thông qua các liên kết. Khi chúng ta tiếp xúc với một thông tin mới, não bộ sẽ đồng thời hình thành một kết nối mới giữa các neuron. Nếu ta không chủ động suy nghĩ về thông tin đó, kết nối này sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Ngược lại kết nối này sẽ được củng cố và trở nên bền vững hơn.

Tổng hợp một số nguyên lý hoạt động của Active recall:

Hiệu ứng tạo ra sự tương tác

Nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học tập cho thấy – việc tạo ra tương tác tích cực với thông tin học tập giúp kích thích tư duy, hình thành kết nối mạnh mẽ hơn trong bộ não. Active recall tạo điều kiện để người học tự đặt câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời và đánh thức trí nhớ, nhờ đó cải thiện hiệu quả quá trình học tập, giảm bớt tình trạng nhàm chán và mệt mỏi.

Hiệu ứng tái khẳng định (spaced repetition)

Quá trình tái khẳng định (Spaced repetition hay lặp lãi ngắt quãng), trong đó học viên xem xét lại thông tin vào các khoảng thời gian khác nhau để tăng cường trí nhớ dài hạn, có mối liên quan mật thiết đến Active recall. Việc thường xuyên khôi phục thông tin đã được chứng minh góp phần củng cố kiến thức, tránh hiện tượng quên bài sau một thời gian ngắn.

Hiệu suất học tập

Nghiên cứu cho thấy việc thường xuyên thực hiện các hoạt động học tập tích cực, chẳng hạn như tự đặt câu hỏi và tự kiểm tra, có thể cải thiện hiệu suất học tập và khả năng ghi nhớ. Active recall là một phần của quy trình này.

Kích thích tư duy sâu

Ngoài ra, hoạt động tương tác tích cực với thông tin qua việc đặt câu hỏi cũng hỗ trợ rèn luyện khả năng tư duy sâu hơn. Người học không chỉ nhớ thông tin một cách bề ngoài, mà còn phải hiểu và áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế. Việc tự thách thức chính mình bằng cách trả lời câu hỏi và cố gắng gợi nhớ góp phần đẩy mạnh sự tập trung, nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ – nói cách khác, tác dụng của nó với não bộ cũng giống như khi ta tập thể dục thể thao đối với cơ thể.

Ưu – Nhược điểm của phương pháp Active recall

Ưu điểm

  • Tối ưu hóa quá trình học tập: Active recall kết hợp với nguyên tắc tái khẳng định (spaced repetition) giúp tăng cường hiệu suất quá trình học tập, cải thiện trí nhớ dài hạn, tránh quên kiến thức, tăng cường năng lực phản xạ trong hội thoại và giao tiếp.
  • Cải thiện trải nghiệm ôn tập: Ngoài tác dụng thúc đẩy phát triển tư duy, gợi nhớ chủ động này còn góp phần củng cố sự tập trung, tạo nên môi trường học tập tích cực và hứng thú.
  • Áp dụng linh hoạt: Phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều loại nội dung và hình thức học tập khác nhau, bao gồm đọc sách, xem bài giảng, làm bài tập, đọc báo tiếng Anh, sử dụng thẻ ghi nhớ (flashcards).

Nhược điểm

  • Yêu cầu thời gian và nỗ lực: Quá trình tự đặt câu hỏi và khôi phục thông tin đòi hỏi thời gian và nỗ lực tư duy. Do đó, phương pháp này đòi hỏi người học phải có tinh thần kỷ luật và chủ động trong quá trình ôn tập.
  • Có thể cảm thấy khó khăn ban đầu: Người học có thể gặp khó khăn khi bắt đầu áp dụng phương pháp Active recall nếu chưa quen với việc tự đặt câu hỏi và luyện tập với chính mình. Điều này đặc biệt đúng với những ai chỉ biết “đọc – chép”, người đi làm bận rộn hoặc cần ôn luyện cấp tốc.
  • Không phù hợp cho mọi loại kiến thức: Nhìn chung, Active recall có thể tỏ ra không hiệu quả với những loại kiến thức quá đơn giản (không cần thiết phải áp dung), quá phức tạp, hoặc quá mới mẻ (đòi hỏi phải mã hóa và lưu trữ thông tin trước khi thực hành gợi nhớ).

Mối quan hệ giữa Active recall và Spaced repetition

Active recall và Spaced repetition có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Nếu như active recall dựa trên nguyên lý tự gợi nhớ và trả lời thông tin để củng cố các liên kết thần kinh, thì spaced repetition tập trung vào việc lặp lại kiến thức đã học với các khoảng thời gian ngày càng xa nhau. Tuy cách tiếp cận không hoàn toàn giống nhau, hai kỹ thuật này đều lấy nền tảng từ lý thuyết Forgetting curve – rằng chúng ta có xu hướng quên kiến thức rất nhanh chóng nếu không sử dụng thường xuyên.

Để tối ưu hiệu quả học tập, bạn có thể bắt đầu với active recall, nhằm xác định những kiến thức bản thân chưa nhớ rõ. Tiếp theo, bạn hãy thực hành spaced repetition để lặp lại các kiến thức đó với các khoảng thời gian ngắt quãng, giúp hỗ trợ ghi nhớ lâu hơn.

Đọc thêm: Learning curve (Đường cong học tập) – Ứng dụng trong học tiếng Anh

Ứng dụng thực tế của phương pháp Active recall

Active Recall có thể được ứng dụng vào nhiều hoạt động và tình huống học tập thực tế như:

  • Học ngoại ngữ: Bạn có thể sử dụng phương pháp này để hỗ trợ học từ vựng, ngữ pháp, nghe hiểu, đọc hiểu, nói và viết tiếng Anh.
  • Ôn thi: Kỹ thuật này đặc biệt hữu ích khi cần ôn tập lại kiến thức cho các kỳ thi. Bạn có thể tự kiểm tra kiến thức của mình bằng cách làm các bài tập, bài test hay quiz liên quan đến chủ đề liên quan – hoặc nhờ bạn bè giúp đỡ thêm.
  • Học tập sáng tạo: Bên cạnh đó, Active recall cũng rất hiệu quả với người học trong lĩnh vực sáng tạo như: nghệ thuật, âm nhạc, thiết kế, lập trình,… qua việc khuyến khích ta tự đặt câu hỏi, viết lại, hoặc giải thích lại những ý tưởng, quy trình hay sản phẩm đã/ cần sáng tạo.
  • Thiết kế khóa học và giảng dạy (Instructional design): Giảng viên có thể tích hợp kỹ thuật này vào quá trình giảng dạy bằng cách thường xuyên đặt câu hỏi cho học sinh, yêu cầu thảo luận về nội dung, hoặc sử dụng các phương tiện học tập tạo cơ hội thực hành khôi phục thông tin.
  • Chuẩn bị thuyết trình: Khi chuẩn bị cho bài thuyết trình hoặc báo cáo, Active Recall sẽ giúp bạn brainstorm ý tưởng về các câu hỏi liên quan và tìm kiếm câu trả lời.

Đọc thêm: Học tiếng Anh cho người mất gốc – Phương pháp như thế nào?

Cách áp dụng phương pháp Active recall khi học tiếng Anh

  • Tự hỏi và trả lời về kiến thức đã học

Đây là cách đơn giản nhất để áp dụng phương pháp Active recall. Bạn có thể tự viết ra các câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc câu,… lên giấy, sau đó thực hành trả lời bằng tiếng Anh (viết hoặc nói đều được).

Ví dụ: “Từ ‘vivid’ nghĩa là gì?” hoặc “Làm cách nào để sử dụng ‘present perfect’ trong một câu?”

  • Sử dụng flashcards

Flashcards đã được chứng minh là công cụ học tập hiệu quả giúp ghi nhớ kiến thức nhanh chóng và dễ dàng. Không chỉ với từ vựng, bạn cũng có thể tạo flashcard để phục vụ việc học ngữ pháp, cấu trúc câu.

Với những ai chưa quen hoặc mới bắt đầu, các ứng dụng flashcard như Anki, Quizlet, hoặc Brainscape là công cụ rất hữu ích mà bạn có thể thử qua.

  • Lập sơ đồ tư duy (mindmap)

Mindmap (sơ đồ tư duy) giúp bạn sắp xếp các ý tưởng một cách trực quan và logic. Trong quá trình xây dựng sơ đồ này, bạn sẽ phải suy nghĩ về các ý tưởng một cách tổng thể và toàn diện – nhờ đó, bạn sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về kiến thức và ghi nhớ lâu hơn.

Để biến mindmap thành công cụ áp dụng Active Recall, bạn có thể lập ra các câu hỏi dựa trên các nút chính trong sơ đồ tư duy. Ví dụ: “Tại sao khái niệm A quan trọng cho khái niệm B?” hoặc “Làm thế nào chúng tương tác với nhau?”. Khi ôn tập, sử dụng mindmap để tự đặt câu hỏi và trả lời theo cách khôi phục thông tin từ bộ nhớ.

  • Làm bài tập

Bài tập về nhà và thực hành là cách tuyệt vời để áp dụng phương pháp Active recall. Trong quá trình làm bài, bạn sẽ phải tự ép bản thân thực hành suy nghĩ và trả lời bằng tiếng Anh – nhờ đó ghi nhớ kiến thức lâu dài hơn.

  • Thực hành nói to (verbalize)

Verbalize là phương pháp học tập bằng cách nói ra những gì bạn đã học – thường là qua việc giải thích, tự kể lại hoặc thậm chí dạy người khác về nội dung học tập. Khi luyện tập verbalize, bạn đang tái tạo kiến thức trong tâm trí và đặt mình vào vị trí của người giảng dạy, tạo cơ hội để áp dụng kiến thức vào thực tế.

  • Truyền đạt lại kiến thức

Giải thích kiến thức cho người khác cũng là lựa chọn đáng cân nhắc cho mục đích kiểm tra xem bạn đã hiểu những gì đã học/ ôn tập hay chưa – nó đòi hỏi bạn phải suy nghĩ về thông tin một cách sâu sắc và thấu đáo hơn, từ đó thúc đẩy phát triển tư duy.

  • Sử dụng SQ3R

SQ3R là viết tắt của Survey (Khảo sát), Question (Đặt câu hỏi), Read (Đọc), Recite (Tái hiện), và Review (Ôn lại). Đây là phương pháp luyện đọc rất hiệu quả, kết hợp với Active Recall giúp bạn nhớ và hiểu được nhiều thông tin hơn khi đọc sách báo tiếng Anh.

  • Thường xuyên ôn tập

Việc ôn tập ngay lập tức sau giờ học – và định kỳ sau một khoảng thời gian có ý nghĩa rất quan trọng với quá trình học tiếng Anh. Bạn hãy kết hợp Active recall với Spaced repetition bằng cách thiết lập lịch trình ôn tập và làm test thử về từ vựng, ngữ pháp và các kỹ năng khác.

Đọc thêm: 500 từ vựng tiếng Anh cho người mất gốc theo chủ đề

Lưu ý khi áp dụng phương pháp Active recall

  • Bắt đầu từ cơ bản. Khi mới lần đầu áp dụng Active recall, hãy bắt đầu với những kiến thức cơ bản mà bạn đã biết – để có thể làm quen với phương pháp này và nuôi dưỡng sự tự tin. Lựa chọn đặt những câu hỏi phù hợp với kiến thức đang học.
  • Tập trung. Hãy cố gắng đảm bảo một môi trường học tập không bị xao nhãng hay gián đoạn khi áp dụng Active Recall. Bạn nên tắt điện thoại, ngắt kết nối với mạng xã hội, và chọn một nơi yên tĩnh và thoải mái để hỗ trợ việc gợi nhớ kiến thức.
  • Tránh dựa vào tài liệu. Mục tiêu chính của Active Recall là tự khôi phục thông tin từ bộ nhớ, không phải là từ tài liệu gốc. Do đó, hãy cố gắng trả lời câu hỏi mà không cần nhìn vào sách/ tài liệu học tập. Sau đó, hãy kiểm tra lại đáp án, so sánh với nguồn gốc, hoặc nhờ người khác góp ý – ghi nhận những điểm mạnh – yếu, cùng các lỗ hổng kiến thức để cải thiện thêm.
  • Linh hoạt trong cách tiếp cận. Áp dụng Active Recall với nhiều loại nguồn tài liệu khác nhau như sách giáo trình, bài giảng, bài viết, thẻ ghi nhớ, v.v… sẽ giúp bạn tạo được nhiều “liên kết”, cũng như khám phá những góc nhìn mới, đa chiều hơn về kiến thức.
  • Kiên nhẫn. Như đã đề cập, Active Recall là phương pháp đòi hỏi sự chủ động và nỗ lực không ngừng của chính học viên. Điều này có thể đặc biệt khó khăn với những ai đã quen tiếp thu kiến thức thụ động – hoặc người bận rộn không có nhiều thời gian ôn tập. Kiên nhẫn và thực hành liên tục là chìa khóa để có thể vượt qua thử thách này và đạt tới những nấc thang cao hơn trên lộ trình học tập.

Đọc thêm: Học tiếng Anh cho người mất gốc – Phương pháp & Lộ trình

Active recall app

Sau đây là tổng hợp một số phần mềm và ứng dụng giúp hỗ trợ quá trình gợi nhớ thông tin:

  • Anki. Ứng dụng flashcard mã nguồn mở phổ biến với nhiều chủ đề, bao gồm từ vựng, ngữ pháp, kiến thức,… Anki sử dụng phương pháp Spaced Repetition để giúp người dùng ghi nhớ kiến thức lâu hơn.
  • Quizlet. Quizlet cho phép bạn tạo flashcards của riêng mình hoặc sử dụng flashcards của người khác. Ngoài ra, nó còn được thiết kế với các tính năng như trò chơi và bài tập để tăng cường trải nghiệm và hiệu quả ôn tập.
  • Memrise. Ứng dụng flashcard với các tính năng thú vị như: ghi âm giọng nói, trò chơi, v.v…
  • Active Recall. Thiết kế đặc biệt cho phương pháp gợi nhớ chủ động, Active Recall sử dụng các tính năng như spaced repetition và tự động hóa để người dùng ghi nhớ kiến thức lâu hơn.
  • RemNote. RemNote cho phép bạn tạo ghi chú có thể tương tác với các câu hỏi và câu trả lời – qua đó kích thích tư duy và mang lại trải nghiệm học tập đáng nhớ hơn.

Lời kết

Active Recall không chỉ đơn thuần là một phương pháp – nó thực sự là một triết lý, một sự thay đổi trong tư duy học tập. Việc tự mình đặt câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời và thử thách bản thân không chỉ giúp cải thiện khả năng ghi nhớ, mà còn mở ra cơ hội nâng tầm năng lực sáng tạo và hiểu biết sâu hơn về thế giới xung quanh.

Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ được truyền cảm hứng hơn trong quá trình ôn luyện tiếng Anh nói riêng và phát triển bản thân nói chung. Đừng quên đăng ký nhận bản tin và tham khảo các khóa học tiếng Anh theo lộ trình của WESET – bao gồm chương trình IELTS cam kết đầu ra cũng như lớp tiếng Anh giao tiếp lấy nền tảng Root-based learning – để nâng cao kỹ năng của mình mỗi ngày bạn nhé!

Shares

Bài viết MỚI

VŨ ĐIỆU THANH XUÂN
2024

Days
Hours
Minutes